Đề cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong chống tham nhũng

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Các ĐBQH cho rằng, cần hoàn thiện thêm khung pháp lý và cần xử lý nghiêm khắc để không ai dám tham nhũng.

“Bịt kín kẽ hở để không thể tham nhũng”

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng chính là nhằm góp phần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nói chung.

Việc kỷ luật, truy tố, xét xử nhiều cán bộ và lãnh đạo cấp cao của nhiều tỉnh thành, bộ ngành và doanh nghiệp thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ĐBQH khóa XII, XIII đánh giá cao việc làm rất quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thời gian qua.

“Đúng như Trưởng ban chỉ đạo đã nói “phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù người đó là ai”. Ngay trong năm 2022, chúng ta đã thấy liên tục cán bộ, lãnh đạo lần lượt bị kỷ luật, đứng trước vòng lao lý”, ông Lê Như Tiến nói.

Tiêu điểm - Đề cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong chống tham nhũng

Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ĐBQH khóa XII, XIII.

Làm thế nào để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần và không muốn tham nhũng”, để giải quyết vấn đề này, ông Lê Như Tiến cho rằng cần hoàn thiện thêm khung pháp lý, các bộ luật cần chặt chẽ để không thể tham nhũng và cần xử lý nghiêm khắc để không ai dám tham nhũng.

“Bên cạnh đó, theo tôi cũng cần có những chế độ chính sách để cán bộ, công chức đủ sống, để không cần và không muốn tham nhũng. Điều đó đồng nghĩa với việc phải đồng bộ không chỉ riêng Luật Phòng, chống tham nhũng mà còn đồng bộ với các luật khác như: Luật cán bộ, công chức; Luật Đấu thầu… bịt kín kẽ hở lại để không thể tham nhũng”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Để trong sạch hóa các cơ quan bảo vệ pháp luật, không để xảy ra các hiện tượng tham nhũng ngay tại chính các cơ quan phòng, chống tham nhũng, ông Lê Như Tiến cho rằng giải pháp đầu tiên cần làm là hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, các luật, các văn bản dưới luật, văn bản thi hành pháp luật thật chặt chẽ, không có kẽ hở cho những kẻ tham nhũng lợi dụng.

Thêm nữa, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Đồng thời, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn kịp thời những đối tượng có ý định tham nhũng.

Nâng cao đạo đức thi hành công vụ

Cũng nhìn nhận về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho hay, việc kỷ luật, truy tố, xét xử nhiều cán bộ và lãnh đạo cấp cao của nhiều tỉnh thành, bộ ngành và doanh nghiệp vừa qua cho thấy sự quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Tiêu điểm - Đề cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong chống tham nhũng (Hình 2).

ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng cần nâng cao đạo đức thi hành công vụ của cán bộ, công chức.

Trong đó, có việc phải sửa đổi luật để đảm bảo ít có lỗ hổng, bất cập và đặc biệt là không có cơ hội cho người xấu lợi dụng để tham ô, tham nhũng.

Nêu dẫn chứng về những gì đã xảy ra trong đợt đại dịch Covid-19, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng trong đợt dịch mới có kit test, vắc-xin, chuyến bay giải cứu… tất cả đều mới trong một điều kiện hoàn cảnh đặc biệt nên có người đã lợi dụng lỗ hổng mới phát sinh để tham nhũng.

Đồng tình với những giải pháp mà ông Lê Như Tiến đưa ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng bên cạnh việc cần phải sửa đổi luật, thì nâng cao đạo đức thi hành công vụ của cán bộ, công chức cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Theo Người Đưa Tin