Cụ ông mê làm thiện nguyện và chuyện nuôi 18 người con, cháu thành tài

Đặng Thu Hằng
Ông cụ 88 tuổi ở miền Tây có 18 người con, cháu theo nghề giáo viên, trong đó có người hiện giữ chức hiệu trưởng, người mang hàm tiến sĩ. Đặc biệt, ông rất gắn bó với công tác làm thiện nguyện.

18 con cháu làm giáo viên

Ngày giáp Tết, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường nông thôn ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để tìm nhà ông Võ Văn Lộc (Út Lộc, 88 tuổi) - cụ ông có 15 năm xây cầu, làm đường miễn phí. Ông Lộc cũng là người nuôi 18 con, cháu trưởng thành và đều làm giáo viên.

Đây là điều rất khác biệt so với các gia đình khác, khi số giáo viên trên được xem là nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp.

ut-loc-7-558-1674448214.jpeg
Ông Võ Văn Lộc (Út Lộc) người gắn liền với công việc xây cầu, làm đường từ thiện.

Ông Út Lộc sinh ra trong gia đình thuần nông. Vợ chồng ông Lộc có đến 10 người con (5 trai, 5 gái), nhưng đất đai của gia đình ít ỏi. Để lo cho tương lai, vợ chồng ông chỉ biết cố gắng để các con có cái chữ lập thân sau này. Vì thế, dù gian khó đến mấy, vợ chồng ông Út Lộc đều hết lòng cho sự học của con cái.

Vốn rất yêu quý hình ảnh thầy cô giáo, vợ chồng ông hướng các con mình theo nghề “gõ đầu trẻ”.

“Tôi rất chân quý, cảm mến nghề giáo. Ngoài ra, 10 đứa con mà học ngành kỹ sư, bác sĩ… thì vợ chồng tôi không đủ tiền nuôi ăn học. Bởi vậy, tôi hướng các con theo nghề sư phạm. Học nghề này không phải đóng tiền, nhờ đó vợ chồng tôi mới có điều kiện nuôi 10 đứa con ăn học. May mắn là các con biết nghe lời, nên theo nghề giáo và đến nay chúng đã thành tài”, ông Lộc tâm sự.

ut-loc-4-559-1674448214.jpeg
Ông Lộc có 18 người con, cháu đang làm giáo viên. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bà Nguyễn Kim Cúc (82 tuổi, vợ ông Lộc) chia sẻ: “Để lo cho các con ăn học, hồi đó vợ chồng tôi phải dậy từ 4h sáng. Tôi chiên cơm để các con ăn lót dạ rồi đi học. Ông ấy ăn rồi đi làm vườn. Vợ chồng làm quần quật từ sáng đến tối mà không đủ ăn. Thấy cha mẹ cực khổ nên các con tôi đều rất ý thức, chăm ngoan, học giỏi".

Ông Lộc “khoe”, đến nay gia đình có 18 con, cháu theo nghề giáo. Trong đó, hai con đang làm hiệu trưởng; có người công tác tại Trường Đại học Đồng Tháp. Về học vị, con ông Lộc có 1 người là tiến sĩ, 3 thạc sĩ.

“Giờ các con, cháu đã có công ăn việc làm ổn định nên vợ chồng tôi không còn lo nghĩ gì nữa. Ngược lại, con cháu còn cho tiền để vợ chồng tôi làm công việc thiện nguyện”, ông Lộc cười chia sẻ.

ut-loc-0-560-1674448214.jpeg
Vợ chồng ông Lộc.

Gắn bó với việc thiện nguyện

Hơn 20 năm trước, thấy học sinh ở địa phương học xong cấp 2 thì nghỉ ngang do trường cấp 3 quá xa. Xót xa, ông Lộc bàn với những người bạn đi vận động xây trường THPT. Ý tưởng của ông Lộc được những người bạn và chính quyền địa phương ủng hộ. Ông Lộc đi vận động vật chất, ngày công, thế là mọi người chung tay xây dựng Trường THPT Lai Vung 2.

“Ngày khởi công xây trường, mọi người kéo đến ủng hộ đông lắm. Mỗi người phụ một tay thế là ba phòng học bé xíu trở thành địa điểm sinh hoạt, học tập của cả học sinh cấp 3 hồi đó. Sau này, Sở GD-ĐT xây Trường THPT Lai Vung 2 khang trang, đem lại niềm vui cho người dân, thầy cô và các em học sinh”, ông Lộc nói và cho biết, từ đó đến nay ông làm Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh của trường này.

Năm 2008, thấy những cây cầu cũ trong xã hư hỏng, xuống cấp, người dân, nhất là các em học sinh đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều tai nạn, ông Lộc nghĩ ngay đến việc xây cầu, làm đường miễn phí. Nghĩ là làm, ông rủ bạn bè, người quen tìm cách sửa lại hoặc xây mới cầu.

“Khi tôi ngỏ lời, mọi người rất nhiệt tình hưởng ứng. Mỗi người một việc cùng chung tay xây dựng, sửa chữa cầu, đường. Tất cả đều làm trên tinh thần tự nguyện, không nhận tiền công hay khoản bồi dưỡng nào”, ông Lộc bày tỏ.

Theo ông Lộc, để có kinh phí xây dựng cầu ông đã vận động người dân, mạnh thường quân. Lúc đầu tham gia đội tình nguyện chỉ khoảng 30 người, dần dà phát triển lên 120 người, cùng nhau góp sức, góp tiền bắc cầu, làm đường cho dân đi.

Đến nay, ông Lộc cùng anh em trong đội thiện nguyện đã xây dựng được 420 cây cầu bê tông; trải nhựa được 13km đường trên địa bàn huyện Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp) và huyện Bình Tân (Vĩnh Long).

Tuổi cao, sức yếu, nhưng ông Lộc vẫn đi xây cầu, làm đường giữa trời miền Tây nắng chang chang. Khi được hỏi về ý định ngừng việc này, ông nói: “Tôi làm cho đến lúc nào sức khỏe không cho phép nữa. Còn sức là tôi còn làm, may mắn vợ và các con đều ủng hộ”.

Với những cống hiến đó, ông Lộc đã được biểu dương, ghi nhận từ cấp địa phương tới Trung ương. Tháng 12/2019, ông Võ Văn Lộc được nhận bằng khen của Thủ tướng vì “Đã có nhiều đóng góp trong công tác xã hội từ thiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.