Chuyện về những người lính lao vào 'tâm bão' cứu ngư dân

Nguyễn Diệp Linh
Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống tội phạm trên vùng biển, lực lượng Hải đội 2 (BĐBP Nghệ An) thường xuyên ứng trực, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Một ngày cuối năm Nhâm Dần, chúng tôi đến thăm cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 đóng tại thị xã Cửa Lò. Tại phòng họp của đơn vị, đại úy Nguyễn Sơn Hải - Phó Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết, mới đây đơn vị đã cứu nạn thành công 13 thuyền viên tàu hàng bị hỏng máy trên biển.

Đại úy Nguyễn Sơn Hải - Phó Hải đội trưởng Hải đội 2. Ảnh: Trần TuyênĐại úy Nguyễn Sơn Hải - Phó Hải đội trưởng Hải đội 2. Ảnh: Trần Tuyên

Đại úy Nguyễn Sơn Hải kể lại, khoảng 20h10 ngày 4/12/2022, tàu hàng Hoa Lư 2 của Công ty TNHH Vận tải và thương mại Ninh Bình bị hỏng máy chính, nước tràn vào khoang ngày càng nhiều, nguy cơ chìm tàu. Thuyền trưởng phát tín hiệu đề nghị được cứu hộ khẩn cấp.

Sau khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các huyện, thị xã ven biển thông báo rộng rãi cho các phương tiện, tàu cá đang khai thác hải sản, các lực lượng đơn vị vận tải trên biển gần khu vực tàu bị nạn phối hợp hỗ trợ.

Tàu Hoa Lư 2 lúc gặp nạn trên vùng biển. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

Tàu Hoa Lư 2 lúc gặp nạn trên vùng biển. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

Đồng thời giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An chủ trì, tham mưu, đề xuất các phương án cứu hộ.

“Sau công tác chuẩn bị, 2h25 ngày 5/12/2022, tàu CN-09 cùng 12 cán bộ, chiến sĩ xuất kích thực hiện nhiệm vụ. Tàu nhanh chóng nhổ neo, nhằm thẳng hướng tàu hàng gặp nạn rẽ sóng tìm đến. Hôm đó gió giật cấp 7, cấp 8, sóng to, tàu di chuyển rất khó khăn. Tới 5h sáng cùng ngày mới tiếp cận khu vực tàu Hoa Lư 2”, đại úy Hải nhớ lại.

Tàu CN-09 tiếp cận tàu cá ngư dân lúc gặp nạn trên biển. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

Tàu CN-09 tiếp cận tàu cá ngư dân lúc gặp nạn trên biển. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

Tàu gặp nạn quá lớn, khó triển khai phương án tiếp cận, đại úy Nguyễn Sơn Hải lệnh cho chiến sĩ trên tàu dùng súng bắn dây để câu sang tàu bị nạn cho thuyền viên cột cố định. Một nhóm khác thả phao cứu sinh, đón thuyền viên.

“Mỗi lần thả bè phao chỉ đưa được 4 người lên tàu cứu hộ, mất hàng tiếng đồng hồ. Trời rét căm căm, nhìn họ lênh đênh trên biển, chúng tôi ai cũng xót xa vô cùng. Mặc dù đã thấm mệt nhưng phải cố gắng hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Hải tâm sự.

Sau 3 giờ vật lộn giữa biển cả, các chiến sĩ trên tàu cứu hộ thành công đưa tất cả thuyền viên lên tàu, thăm khám sức khỏe, đưa vào bờ an toàn.

Hạ quyết tâm cứu bằng được tàu ngư dân

Với kinh nghiệm 6 năm công tác cứu nạn trên biển, thuyền trưởng tàu CN-09, đại úy Trần Quang Vinh như đã quen với các nhiệm vụ đột xuất. Dù khó khăn, nguy hiểm đến đâu cũng luôn sẵn sàng lên đường.

Lần cứu nạn vào trung tuần tháng 12/2019, với đại úy Vinh là kỷ niệm không thể nào quên. Lần đó, tàu cá gồm 13 ngư dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chạy bão thì hỏng máy, gãy trục chân vịt, trôi dạt cách bờ biển khoảng 40 hải lý lúc mưa bão dồn dập.

Lực lượng tàu cứu hộ CN-09 tiếp cận cứu người gặp nạn trên biển. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

Lực lượng tàu cứu hộ CN-09 tiếp cận cứu người gặp nạn trên biển. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

“Tàu ngư dân gặp nạn trùng thời điểm bão đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ, dự báo đi thẳng vào trung tâm tỉnh Nghệ An. 7h sáng ngày 19/12/2019, tàu xuất kích, tăng hết tốc độ, đi thẳng vào tâm bão, hạ quyết tâm cứu bằng được ngư dân.

Chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên với ngư dân để hướng dẫn một số biện pháp không để tàu chìm, xác định vị trí tàu trôi dạt. Đồng thời cũng để trấn an tinh thần, làm tốt công tác tư tưởng cho các thuyền viên”, đại úy Vinh nhớ lại.

Nhớ lại thời khắc di chuyển vào tâm bão, đại úy Vinh kể tiếp: "Tất cả các tàu đều vào bờ neo đậu an toàn, riêng tàu cứu hộ lao vào tâm bão tìm tàu trôi dạt. Tính mạng con người quá nhỏ bé trước giông bão giữa biển khơi. Khi đó chỉ có mệnh lệnh cứu người mới giúp anh em chúng tôi trấn an nhau, quyết tâm vượt sóng ra khơi.

Nếu bão giữ nguyên hướng đi thì tàu cứu hộ sẽ rơi vào tâm bão. May mắn khi tàu cứu hộ tiếp cận được tàu cá, cũng là lúc bão đổi hướng, mọi người thở phào nhẹ nhõm".

Con tàu cùng ngư dân gặp nạn sau đó được lai dắt vào bờ an toàn. Đồng thời, cán bộ chiến sỹ kiểm tra sức khỏe và bàn giao các ngư dân cho chính quyền địa phương.

Đại úy Trần Quang Vinh, thuyền trưởng tàu cứu hộ CN–09

Đại úy Trần Quang Vinh, thuyền trưởng tàu cứu hộ CN–09

Tàu cứu hộ lai dắt tàu cá ngư dân bị hỏng máy đi vào đất liền. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

Tàu cứu hộ lai dắt tàu cá ngư dân bị hỏng máy đi vào đất liền. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

Nói thêm về kỷ niệm cứu hộ, đại úy Trần Quang Vinh cho hay, ngày 28 Tết năm 2016, phần lớn tàu thuyền ngư dân về neo đậu, đoàn viên cùng gia đình. Tại đơn vị, các cán bộ, chiến sĩ cũng đã sẵn sàng chào đón năm mới thì bất ngờ nhận được mệnh lệnh ứng cứu tàu cá ngư dân thị xã Hoàng Mai.

Tàu cá gặp nạn cách Cửa Hội khoảng 80 hải lý về phía Bắc. Lúc đó trên tàu có 12 ngư dân cùng rất nhiều hải sản đánh bắt được. Ngay khi nhận được tin, con tàu CN-09 cùng các cán bộ chiến sĩ tức tốc lên đường.

Kiểm tra sức khỏe cho người gặp nạn trên biển khi về đất liền. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

Kiểm tra sức khỏe cho người gặp nạn trên biển khi về đất liền. Ảnh: Hải đội 2 cung cấp

“Đơn thương độc mã giữa biển lớn mênh mông chẳng thấy bóng dáng một con thuyền, nhiều lúc cũng cảm thấy chạnh lòng nhưng hơn hết là sự an toàn của bà con, không thể chậm trễ dù chỉ là một giây. Sau bao cố gắng, sáng 29 Tết, tàu gặp nạn được lai dắt vào bờ”, vị thuyền trưởng trải lòng.

Hầu như ngư dân vùng biển ở Nghệ An đều cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của các anh - những người lính đã mang lại sự bình yên, niềm vui cho bà con và là điểm tựa, như ngọn hải đăng khi ngư dân ra khơi bám biển.

Theo VietNamNet