Khoảnh khắc Chủ tịch hội nghị bật khóc khi LHQ đạt thỏa thuận lịch sử về bảo vệ biển quốc tế

Đặng Thu Hằng
Sau gần 20 năm đàm phán, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã đồng ý về khung pháp lý về vùng biển quốc tế, thế giới đang nhận thức và có những bước đi rõ rệt hơn để bảo vệ đại dương.

Ngày 4/3 vừa qua, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc vừa qua đã đồng ý thành lập khung pháp lý bảo vệ vùng biển quốc tế. Đây được coi là bước tiến lớn thứ hai, chỉ 3 tháng sau các thỏa thuận tại hội nghị đa dạng sinh học COP15 ở Montreal, Canada.

Khoảnh khắc các quốc gia đạt được thỏa thuận sau gần hai thập kỷ đàm phán đã khiến bà Rena Lee, Chủ tịch hội nghị của Liên Hợp Quốc về việc bảo vệ biển quốc tế, bật khóc khi đọc thông báo trong cuộc họp ở New York.

p1-1678385193.jpg
Bà Rena Lee, Chủ tịch hội nghị của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: The Guardian)

Ít nhất giờ đây về mặt lý thuyết, các quốc gia gần như có một chiến lược hoàn chỉnh để hành động đối với ba cuộc khủng hoảng toàn cầu trong thời đại này: Tình trạng khẩn cấp về khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.

Gần 2/3 bề mặt Trái Đất là đại dương, biển bao bọc 95% môi trường sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái đại dương tạo ra một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở và đồng thời là bể chứa CO2 lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ 1% vùng biển quốc tế được bảo vệ theo quy định và 39% biển thuộc quyền tài phán của từng quốc gia. Phần còn lại hiện chưa có những ràng buộc pháp lý rõ ràng và là khu vực chịu nhiều rủi ro từ các hoạt động gây tổn hại môi trường biển.

Tác động từ biến đổi khí hậu đang dần tồi tệ hơn và liên tục có những nghiên cứu báo động về tình hình khí hậu trên Trái Đất. Các chuyên gia cảnh báo một triệu loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, đe dọa đến hệ sinh thái vốn giúp duy trì văn minh nhân loại. Do vậy việc hiệp ước này được thông qua đóng một vai trò quan trọng, các quốc gia thành viên sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình về các vấn đề quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học biển.

Tới đây, chính phủ các nước tiếp tục đàm phán về thỏa thuận của Liên Hợp Quốc về xử lý ô nhiễm nhựa, với vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra ở Paris vào tháng 5. Song, các lãnh đạo thế giới, người đứng đầu doanh nghiệp, đã biết phải làm gì để ngăn chặn thảm họa trong những thập niên tới, theo Guardian.

Tính cấp bách khi có những báo động về biến đổi buộc các chính phủ phải giữ lời hứa và thực hiện đúng những gì đã cam kết.

anh-chup-man-hinh-2023-03-10-luc-011233-1678385565.png
Bà Rena Lee bật khóc khi thông báo về thỏa thuận bảo vệ biển quốc tế tại phiên họp Liên Hợp Quốc ngày 4/3. (Ảnh: Guardian)

Theo ông David Cooper, quyền Giám đốc về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, nói rằng việc giữ cho Trái Đất có thể tồn tại trong nhiều thế hệ là ưu tiên hàng đầu. Ông Cooper lạc quan về các động thái từ quốc tế, song cho rằng cần phải nỗ lực hơn nữa: “Những người trẻ tuổi và người bản địa đang nhìn thấy chuyện gì xảy ra, và tương lai của họ sẽ ra sao nếu không có hành động”.

Các nhân vật cấp cao của Liên Hợp Quốc cũng đã hoan nghênh những thỏa thuận với sự lạc quan thận trọng, thừa nhận tinh thần của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh tồn tại căng thẳng giữa các cường quốc.

"Dưới góc độ ô nhiễm cũng như đa dạng sinh học, đã có những sự quan tâm mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Tôi mừng vì điều đó”, Inger Andersen, Giám đốc chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc, cho biết.

Ông Virginijus Sinkevičius, Ủy viên châu Âu về môi trường, đại dương và nghề cá, đã mô tả thỏa thuận này là một “thời khắc lịch sử đối với đại dương” và là đỉnh cao của hơn một thập kỷ làm việc và đàm phán quốc tế.

Ông nói: “Với thỏa thuận này, chúng ta tiến một bước quan trọng để bảo tồn sinh vật biển và đa dạng sinh học cần thiết cho hiện tại và các thế hệ mai sau. Đây cũng là bằng chứng về sự hợp tác đa phương được củng cố và là tài sản chính để thực hiện mục tiêu COP 15 về bảo vệ 30% đại dương. Tôi rất tự hào về kết quả mà chúng ta đã đạt được trong ngày hôm nay”.

Thu Hằng