Chăm lo đời sống đồng bào La Ha

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
La Ha là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người (có dưới 10.000 người), sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao... Trước thực trạng trên, những năm qua, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha vươn lên xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

1-1-1652655908.jpg

Đồng bào dân tộc La Ha ở tỉnh Sơn La được hỗ trợ làm ao để phục vụ sản xuất và phát triển chăn nuôi. Ảnh: TTXVN

Toàn huyện Mường La hiện có 1.157 hộ dân với 4.858 nhân khẩu là đồng bào dân tộc La Ha sinh sống tại 33 bản thuộc 14 xã trên địa bàn huyện. Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện tổ chức rà soát nhu cầu hỗ trợ phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng để xây dựng phương án hỗ trợ các bản, xã có dân tộc La Ha; các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền về những chế độ, chính sách cho người La Ha và triển khai thực hiện hỗ trợ theo kế hoạch. Trong đó, chú trọng triển khai Đề án “Hỗ trợ và phát triển kinh tế-xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025” theo Quyết định số 2477/QĐ-UBND ngày 20-9-2017 của UBND tỉnh và Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025”. Với nhiều chính sách hỗ trợ như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ về nông, lâm nghiệp và vốn vay ưu đãi cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo chí... đã góp phần cải thiện cuộc sống của người La Ha trên địa bàn huyện.

Xác định thúc đẩy phát triển kinh tế là giải pháp quan trọng giúp người dân La Ha thay đổi nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, từ năm 2019 đến nay, với nguồn vốn được tỉnh, Trung ương phân bổ, huyện đã hỗ trợ 10,6 tỷ đồng mua con giống, máy móc nông cụ và kinh phí làm chuồng trại chăn nuôi cho 822 hộ dân; tổ chức 24 lớp tập huấn, 4 đợt đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa bàn trong tỉnh về áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, qua đó nâng cao kiến thức, năng lực sản xuất cho các học viên là đại diện chủ hộ gia đình.

Đồng thời, huyện đã đầu tư xây dựng hai công trình đường giao thông và cầu dân sinh tại bản Nong Quài, Pá Kìm, xã Chiềng Muôn với tổng kinh phí 11,8 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, huyện Mường La còn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào La Ha. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng cho 157 học viên là cán bộ dân tộc La Ha ở bản, xã về kiến thức quản lý nhà nước, nghiệp vụ hoạt động văn hóa, thông tin cơ sở; mở 4 lớp truyền khẩu dạy tiếng dân tộc La Ha cho 152 học viên tại bản Huổi Quảng, Huổi Tóng, xã Chiềng Lao và bản Lọng Bong, xã Hua Trai...

Dù còn gặp một số khó khăn như: Trình độ dân trí không đồng đều; việc chuyển hướng sản xuất tuy có tiến bộ hơn so với trước nhưng chủ yếu vẫn là kinh tế thuần nông tự túc, tự cấp; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước... nhưng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc La Ha thời gian qua, đã giúp người dân trên địa bàn huyện Mường La từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống.

Thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; tăng cường các hoạt động về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tại các vùng có đồng bào dân tộc La Ha sinh sống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên xóa đói, giảm nghèo... góp phần nâng cao đời sống của người dân, đưa dân tộc La Ha hòa nhập với sự phát triển chung của các dân tộc khác trên địa bàn huyện.

MINH QUÂN