Chad, Cộng hòa Trung Phi và Niger là ba quốc gia đứng đầu thế giới về số người chết do ô nhiễm

Phạm Hà Mi
Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, ô nhiễm không khí do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã khiến 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Đặc biệt, tại Châu Phi và một số nước đang phát triển khác, ô nhiễm môi trường vẫn là một vấn đề gây nhức nhối.

Mỗi năm có khoảng 9 triệu người chết do ô nhiễm môi trường

Mới đây, tạp chí Lancet Planetary Health (Pháp) đã công bố nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Washington (Mỹ) về mức độ tiếp xúc ô nhiễm tổng thể và nguy cơ tử vong thông qua dữ liệu phân tích năm 2019 của nghiên cứu "Gánh nặng bệnh tật toàn cầu".
Nghiên cứu đã phân tích chi tiết các tác nhân gây ô nhiễm thông qua việc tách biệt các chất ô nhiễm truyền thống như khói hoặc nước thải với các chất ô nhiễm hiện đại hơn, như ô nhiễm không khí công nghiệp và hóa chất độc hại.

1-1652980825.jpeg
Ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp có nồng độ chất độc hại cao

Tử vong do các chất ô nhiễm truyền thống đang giảm trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Châu Phi và một số nước đang phát triển khác đây vẫn là một vấn đề gây nhức nhối bởi Chad (một quốc gia ở Trung Phi), Cộng hòa Trung Phi và Niger là ba quốc gia đứng đầu thế giới về số người chết do ô nhiễm (bao gồm ô nhiễm đất, nước, không khí).
Theo phân tích dữ liệu về mức độ ô nhiễm và tỷ lệ tử vong toàn cầu, trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, ô nhiễm không khí do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã khiến số ca tử vong do ô nhiễm tăng thêm 7%.
Trước đó, một bản nghiên cứu đã xuất bản vào năm 2017 cũng ước tính số người chết do ô nhiễm là khoảng 9 triệu người mỗi năm, nghĩa là trên thế giới, cứ 6 ca tử vong, có 1 ca là do ô nhiễm. Có thể thấy tỷ lệ tử vong do tác động của ô nhiễm môi trường ngang bằng với việc hút thuốc và thậm chí, cao hơn tỷ lệ tử vong do COVID-19, với khoảng 6,7 triệu người kể từ khi đại dịch bắt đầu.

2-1652980825.jpeg
Tỷ lệ tử vong do ô nhiễm môi trường cao hơn tỷ lệ tử vong do COVID-19


Nỗ lực khiêm tốn trong bối cảnh ô nhiễm gia tăng
Các giải pháp giảm ô nhiễm không khí trong nhà và cải thiện điều kiện vệ sinh của một số nước đã hạn chế đáng kể tỷ lệ tử vong, chẳng hạn như ở Ethiopia và Nigeria, số ca tử vong do ô nhiễm môi trường đã giảm thêm 2/3 trong 9 năm từ năm 2000 đến 2019.
Ngoài ra, vào năm 2021, Algeria là nước cuối cùng chính thức cấm xăng pha chì nhưng nhiều người vẫn phơi nhiễm với chất độc hại, chủ yếu là do việc tái chế pin axit-chì và chất thải điện tử . Các thực phẩm ô nhiễm cũng là thủ phạm khiến con người phơi nhiễm chì.
Các nhà nghiên cứu cho hay, các ca tử vong do ô nhiễm đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 4.600 tỷ USD trong năm 2019, tương đương 6% sản lượng kinh tế toàn cầu, trong đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với hơn 90% số ca tử vong được ghi nhận ở khu vực này.

3-1652980825.jpeg
10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm lần lượt là: Chad; Cộng hòa Trung Phi; Niger; Quần đảo Solomon; Xôman; Nam Phi; Triều Tiên; Lesotho; Bungari; Burkina Faso

Nghiên cứu đã đưa ra danh sách 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí xét theo tỷ lệ tử vong lần lượt như sau: Chad; Cộng hòa Trung Phi; Niger; Quần đảo Solomon; Xôman; Nam Phi; Triều Tiên; Lesotho; Bungari; Burkina Faso.
Chia sẻ về những biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres cho biết: Thế giới phải cắt giảm 45% lượng khí thải toàn cầu trong thập kỷ này để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này có nghĩa là không sản xuất than mới và không có các khoản tài chính về than. Ngoài ra, cũng cần mở rộng hợp tác quốc tế để hỗ trợ tài chính và kỹ thuật mà các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương cần để có khả năng phục hồi cao hơn

T.H