Câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình đi bộ 15.000km của chàng trai Thụy Sĩ

Đặng Thu Hằng
Tạm dừng chân tại Hà Nội sau hành trình dài 13.000km từ Thụy Sĩ, Thomas đã chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng của anh, từ việc 1 cảnh sát quyết định nghỉ việc để theo đuổi điều mà những người xung quanh anh cho là “mơ mộng, viển vông” như thế nào cho tới nỗ lực 15 năm hỗ trợ hơn 1.000 trẻ em Philippines là nạn nhân của tội phạm buôn bán và bị lạm dụng tình dục.

Hành trình 15.000km truyền cảm hứng

Thomas Kellenberger đã bắt đầu hành trình đi bộ mang tên “Kuya Thom Goes Home” dài 15.000km từ Thụy Sĩ tới Phillipines ngày 25/8/2021 để gây quỹ cho một ngôi làng trẻ em mà anh đồng sáng lập vào năm 2006 tại Cagayan de Oro, Philippines. Chia sẻ về hành trình của mình, Thomas nói rằng anh bắt đầu chuyến đi không phải để được công nhận như một người hùng hay xác nhận kỷ lục thế giới về đi bộ. Anh muốn cuộc bộ hành 15.000km sẽ tăng cường những nỗ lực hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em.

Đi bộ hàng chục nghìn km qua nhiều quốc gia, Thomas đã có những trải nghiệm khó quên và nhận ra nhiều điều ý nghĩa.

“Trong khi giữa các quốc gia dựng lên những hàng rào biên giới thì trong hành trình dài của mình, tôi có thể thấy rằng giữa con người chúng ta không hề có ranh giới. Đi qua nhiều đất nước với những phong cảnh, văn hóa và tôn giáo khác nhau, tôi luôn được chào đón bởi những con người nồng hậu”.

Khi bắt đầu cuộc hành trình, người thân và bạn bè Thomas đều ngăn cản anh vì cho rằng đó là một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm nhưng Thomas vẫn bắt đầu kế hoạch của mình và trong suốt chặng đường ấy, anh đã có nhiều dịp để nhận ra rằng bản chất con người là vô cùng đáng quý.

“Hầu hết những người tôi gặp đều là những người nhân văn”. Đi dọc vùng Trung Á hùng vĩ và khắc nghiệt, Thomas cảm thấy ấm lòng trước những tách trà đượm tình người hay khi đặt chân đến Việt Nam, anh được chào đón bởi sự thân thiện của người dân và những ly cà phê đậm đà. Theo Thomas, giữa các quốc gia dù khác nhau về kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng không có rào cản giữa người với người, có chăng đó là những hàng rào do chính chúng ta dựng nên. Thông qua hành trình của mình, anh muốn chứng minh rằng thế giới là của tất cả chúng ta, không có rào cản nào giữa các nền văn hóa, tôn giáo và con người.

Với sở thích leo núi và khám phá thiên nhiên, Thomas lựa chọn hành trình qua nhiều dãy núi mà anh có thể chinh phục từ Đông Âu tới Trung Á và Ấn Độ. Sau đó, từ Bangladesh, anh đã bay tới Thái Lan rồi vào Lào và đến Việt Nam qua Điện Biên Phủ. Chặng đường tiếp theo của Thomas sẽ là hành trình đi bộ 30 tiếng không nghỉ tới Vịnh Hạ Long.

Cuộc hành trình của Thomas không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Anh đã trải qua nhiều thử thách về thể chất và tinh thần, từ việc đi qua những sa mạc cằn cỗi không có nước, không có sự sống hay vượt những đỉnh núi cao hàng nghìn mét so với mực nước biển khiến cơ thể phải thích ứng nhanh do sự thay đổi về địa hình.

“Ngoài ra, tôi cũng gặp những vấn đề về thực phẩm. Chẳng hạn như khi dừng chân ở Ấn Độ, do cơ thể chưa thích ứng với đồ ăn ở đó mà tôi đã bị ngộ độc thực phẩm 3 lần, bị tiêu chảy và sốt cao. Hoặc chặng đường đi qua sa mạc ở Trung Á là hành trình dài không có nước”, Thomas chia sẻ.

Thomas cũng nói rằng điều khiến anh sợ nhất chính là giao thông ở Bangladesh và Ấn Độ.

“Tôi cảm tưởng tình trạng giao thông ở những nơi này còn nguy hiểm hơn cả sự khắc nghiệt của thiên nhiên và các băng đảng tội phạm”.

Không chỉ gặp thách thức về thể xác, anh còn đối mặt với cả những khó khăn về tinh thần. Đó là sự cô đơn.

“Điều đó đôi khi thật khó khăn. Tôi đã đi một mình, ngủ một mình và có những lúc 10 ngày liền không gặp bất kỳ ai. Sự cô đơn là một thử thách to lớn với con người. Chẳng hạn chặng từ Điện Biên Phủ về Hà Nội, những người nước ngoài duy nhất mà tôi gặp là một cặp vợ chồng người Đức. Nhưng bù lại, trong suốt cuộc hành trình của mình, tôi được người dân địa phương tiếp đón nồng hậu, những người đã cho tôi nơi ăn chốn ở và đôi khi coi tôi như một thành viên trong gia đình”.

15 năm hỗ trợ hơn 1.000 trẻ em Philippines

Cách đây hơn 15 năm, trở về Thụy Sĩ sau chuyến du lịch Philippines, Thomas không thể nào quên hình ảnh những trẻ em ở nước này phải lăn lộn kiếm sống trên các hè phố và bãi rác. Nhớ lại chuyến du lịch đã thay đổi cuộc đời mình năm ấy, Thomas kể: “Trong 1 buổi tối, khi đang đi dạo trên đường phố, tôi nhận được lời mời chào của một dịch vụ mua bán tình dục với trẻ em. Điều đó gây ra một cú sốc lớn với tôi. Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết và các trẻ em ở đây cần được hỗ trợ”.

Anh cho biết: “Ngay trong chuyến đi đó, tôi đã manh nha ý định thành lập tổ chức và ngay lập tức hỗ trợ cho 4 trẻ em gái. Trở về Thụy Sĩ, tôi đã xin nghỉ công việc làm cảnh sát khi ấy để cùng mẹ mình gây quỹ và thành lập tổ chức “Kuya Thom Goes Home”.

“Khi tôi nói rằng mình muốn thành lập một tổ chức nhân đạo hỗ trợ trẻ em ở Philippines, những người xung quanh đều cho rằng tôi thật hão huyền, mơ mộng hay làm sao tôi có thể làm được, hoặc khi còn trẻ tuổi thì cần theo đuổi giấc mơ nghề nghiệp hay những gì lớn lao, nhưng mẹ tôi luôn tin tưởng tôi. Bà nói rằng: “Được thôi, nếu đó là điều con muốn thì mẹ sẽ ủng hộ”.

Trong suốt chặng đường thành lập và vận hành tổ chức, mẹ luôn đồng hành và hỗ trợ Thomas. Khi anh làm việc ở Philippines, bà đã là người đã vận động các doanh nghiệp tổ chức ở Thụy Sĩ để gây quỹ cho các hoạt động.

“Trong 15 năm qua, mẹ tôi đã tới Phippines 3 lần và lần cuối là không lâu trước khi bà qua đời vì ung thư. Tôi nghĩ rằng chuyến cuối cùng của mẹ tôi tới Philippines là chuyến đi vô cùng đặc biệt vì bà đã nhìn thấy thành quả trong suốt 15 năm - những điều mà bà chưa thấy trong 2 chuyến đi trước đó. Trong 2 chuyến đi đầu, các hoạt động của chúng tôi ở quy mô nhỏ và hạn chế nhưng trong chuyến đi này, bà đã có thể chứng kiến hàng nghìn trẻ em được giáo dục và chăm sóc. Đây cũng là chuyến đi tôi có nhiều thời gian ở cạnh mẹ trước khi bà qua đời. Bà không chỉ là người sinh ra mà còn là người bạn tốt nhất của tôi. Bà là mẹ đơn thân đã nuôi dạy 2 anh em tôi. Tôi nghĩ đó là cơ hội để tôi có sự đồng cảm với những trẻ em khó khăn hoặc có hoàn cảnh như chúng tôi, những người thiếu vắng tình cảm gia đình”.

Hiện nay, dự án mà Thomas và mẹ anh cùng sáng lập đã xây dựng được 1 ngôi làng và 2 ngôi trường mà ở đó trẻ em được học tập và chăm sóc y tế, tâm lý. Hai ngôi trường hiện có khoảng hơn 1.000 học sinh.

Theo Thomas, trong hành trình giúp đỡ trẻ em hay những người gặp khó khăn, chúng ta không chỉ đơn thuần giúp đỡ về mặt vật chất mà việc hỗ trợ tinh thần cũng vô cùng quan trọng. Với anh, đó là một thách thức nhưng cũng là một sứ mệnh.

“Tôi muốn chia sẻ một trường hợp mà chúng tôi gặp. Đó là một cô bé 10 tuổi bị bán vào dịch vụ mại dâm. Khi được cứu ra là lúc cô bé 11 tuổi với nhiều lần bị lạm dụng. Vào lúc đưa cô bé về ngôi làng an toàn của chúng tôi, cô bé không chỉ chịu đau đớn về thể xác mà còn trải qua những vụn vỡ trong tâm hồn. Vì thế, cách mà chúng tôi tiếp cận là đồng hành, mở lòng và xây dựng sự tin tưởng để cô bé chia sẻ với chúng tôi”.

Chính những trẻ em ở ngôi làng nhỏ bé mà Thomas xây dựng suốt 15 năm qua là lý do anh chưa từng có ý định từ bỏ trong hành trình 15.000km của mình.

“Tâm thế khi tôi tham gia hành trình này khác với tâm thế của những người muốn chinh phục thành tích hay vượt qua giới hạn bản thân. Tôi tham gia hành trình này này khi nghĩ tới những người ngóng chờ tôi ở phía cuối hành trình, những trẻ em mà chúng tôi hỗ trợ thời gian qua. Đó là động lực để tôi tiếp tục hành trình và không có ý định từ bỏ”.

Nói về hành trình của Thomas, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass chia sẻ: “Trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta sử dụng nhiều công nghệ, phương tiện vận chuyển hiện đại nhưng với sức mạnh, ý chí và quyết tâm của con người, Thomas đã có một hành trình đi bộ mà không sử dụng các phương tiện này. Trong bản đồ chúng tôi sử dụng để miêu tả về hành trình của Thomas, không hề có các ranh giới. Trên thực tế, ranh giới giữa các quốc gia được dựng nên bởi con người, tự nhiên không hề có ranh giới. Thomas đã tạo nên niềm cảm hứng với tôi về sức mạnh thể chất cũng như ý chí tinh thần, cho chúng ta thấy sức mạnh của con người là không giới hạn và thế giới này là không có biên giới”./.