Câu chuyện đằng sau những chiếc Phao cứu sinh treo trên những cây cầu bắc qua sông Hồng

Nguyễn Thị Hải Hà
Với mục đích  gián tiếp giúp những người bị đuối nước, những người muốn cứu người đuối nước có phương tiện để cứu người. Một nhóm bạn trẻ thuộc câu lạc bộ tình nguyện về bơi lội đã treo hàng trăm phao cứu sinh trên các cây cầu bắc qua sông Hồng.

Anh Nguyễn Ngọc Khánh,trưởng nhóm Câu lạc bộ (CLB) Bơi khám phá, cho biết hoạt động treo phao cứu sinh trên những cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội là một phần nhỏ trong chương trình "Tình yêu sông Hồng" do anh khởi xướng hồi tháng 4.

Tôi mong muốn cung cấp công cụ cho những người đuối nước, người muốn cứu nạn có thêm hy vọng sống thay vì chỉ đứng trên cầu hô hoán, hay khi nhảy xuống mới hối hận" Anh Khánh tâm sự.

5-1652672475.jpg
Những chiếc phao cứu sinh được nhóm lắp trên cầu Long Biên.

Nhóm dự kiến treo hàng trăm phao cứu sinh trên các cây cầu chạy dọc sông Hồng ở 10 tỉnh, thành phố từ Lào Cai đến Thái Bình. Từ ngày 6 đến 8/5, CLB Bơi Khám phá đã treo phao cứu sinh và tổ chức các chương trình dạy bơi, kĩ năng làm quen sông nước, cứu hộ cứu nạn, tại 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang, nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng.

Hà Văn Cương, 24 tuổi, sống tại Lào Cai, tham gia CLB Bơi khám phá cách đây 3-4 tháng, sau một lần tình cờ cùng người bạn đi bơi sông Hồng.

Cũng giống các thành viên khác, anh ủng hộ hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu, hi vọng là phương tiện gián tiếp giúp những người đuối nước, những người muốn cứu nạn nhân đuối nước.

"Đặc biệt, thời gian này đã vào mùa mưa lũ, có nhiều người không may gặp nạn trên sông và có cả những người mất niềm tin vào cuộc sống, suy nghĩ dại dột", Cương nói.

Tại Hà Nội, từ sáng 14/5, nhóm gồm 20 người, chủ yếu là phụ huynh của những em nhỏ trong các lớp dạy bơi miễn phí của anh Khánh, chia thành từng nhóm, đi từng cây cầu gồm: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. để treo phao cứu sinh. Các thành viên hoặc đi bộ hoặc đi xe máy, tùy theo kích thước từng cầu, làm việc từ sáng đến tối. Mỗi cây cầu sẽ có hàng chục chiếc phao được trang bị tương ứng với chiều dài. Để cố định phao, nhóm sử dụng dây thép rồi xoắn vào thành cầu, hướng phao ra ngoài sông Hồng.

6-1652672475.jpg
Hình ảnh các thành viên đang tích cực lắp đặt Phao cứu sinh trên cầu.

Với dòng chữ "phao cứu người, không lấy", anh hi vọng nếu ai đó có ý định trộm phao, khi đọc được dòng chữ này, sẽ suy nghĩ lại. Mỗi chiếc phao giá trị không lớn, chỉ 100.000 đồng/cái, nhưng có thể sẽ cứu được một mạng người. Dự kiến trong tháng 7/2022, nhóm tình nguyện sẽ lắp đặt xong.

Anh Khánh còn cho biết thêm: CLB Bơi khám phá sau 3 năm hoạt động, hiện có hơn 4.000 thành viên, bên cạnh thỏa mãn đam mê bơi lội, anh mong muốn đóng góp cho cộng đồng thông qua những kiến thức thực tế.

Ngoài hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu, "Tình yêu sông Hồng" sẽ triển khai nhiều hoạt động: dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại 6 tỉnh, thành dọc sông Hồng; phổ cập kiến thức đúng đắn về bơi lội; kĩ năng sơ cấp cứu; hiểu về cứu nạn đuối nước; treo phao cứu sinh trên cầu;…

"Mùa hè sắp đến, tôi rất buồn khi đọc những thông tin về trẻ em đuối nước. Chúng ta cần trang bị cho mình và người thân những kỹ năng cơ bản, đặc biệt là bơi. Các bạn trẻ và bố mẹ hãy đề cao tinh thần phòng chống đuối nước, định nghĩa đúng đắn về bơi lội để tránh những tình huống không may", anh Khánh nói.

Là hoạt động tự phát, trước khi lắp đặt phao cứu sinh, anh Khánh chủ động liên hệ với các địa phương xin ý kiến. "Khi giải thích rõ về mục đích lắp phao, câu lạc bộ nhận sự đồng thuận. Nhiều địa phương còn đề xuất lắp thêm tại các cầu không bắc qua sông Hồng", anh cho biết.

Anh Nguyễn Hoàng Hải (quận Hoàng Mai) trên đường đi làm về đi qua cầu Vĩnh Tuy khá bất ngờ thấy sự xuất hiện của những chiếc phao cứu sinh. Khi dừng lại tìm hiểu anh Hải được biết. " Những chiếc phao do một câu lạc bộ tình nguyện lắp để cứu người trong trường hợp khẩn cấp tôi thấy một sự ấm áp bởi lòng tốt, tình người của dân tộc Việt".

NQ