Bóng bay bơm khí hydro phát nổ khiến bé 4 tuổi bị bỏng tay

Nguyễn Diệp Linh
Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang vừa tiếp nhận một bé bỏng bàn tay phải do bóng bay bơm khí hydro phát nổ.

Thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cho biết, Khoa Ngoại của Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị bỏng bàn tay phải do bóng bay bơm khí hydro phát nổ.

Theo gia đình, bé N.T.K. (4 tuổi, trú tại TP. Bắc Giang) gần đây được gia đình mua cho quả bóng bay bơm khí hydro, khi bé đang cầm bóng chơi đùa thì bóng bay bất ngờ phát nổ lớn. Vụ nổ đã khiến bệnh nhi bị bỏng bàn tay phải.

Sau tai nạn xảy ra, gia đình lại chỉ cho con đắp thuốc nam của một thầy lang, không đưa đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Sau vài ngày, vết thương không những không khỏi mà ngày càng lan rộng. Lúc này, gia đình mới tức tốc đưa bé K. vào Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bác sĩ Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho biết, sau khi tiếp nhận và kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhi N.T.K bị bỏng độ 3, vết thương ở mu bàn tay phải, có tình trạng nhiễm trùng. Ngay lập tức các bác sĩ đã nhanh chóng vệ sinh làm sạch vết thương, thực hiện kỹ thuật ghép da nhân tạo tại vị trí bị bỏng cho bệnh nhi.

Theo bác sĩ Đại, thông thường bệnh nhân trưởng thành khi bị bỏng ở tay thì sau 2-3 tuần sẽ bình phục. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, vết thương rộng cộng với việc dùng thuốc nam trước đó khiến việc điều trị mất nhiều thời gian hơn.

Bác sĩ Đại cũng khuyến cáo, khi trẻ bị tai nạn chấn thương, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế thăm khám. Gia đình không nên cho con đắp thuốc, chữa mẹo bởi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Đây không phải tai nạn do bóng bay bơm khí hydro lần đầu xảy ra, trước đó đã có nhiều vụ việc đáng tiếc tương tự. Theo giới chuyên gia, khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn hay gặp không khí nóng hoặc khi đi ngoài trời nắng là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung.

Thông thường khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay. Chính vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng loại bóng này để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Để sử dụng an toàn bóng bay bơm khí hydro, các chuyên gia khuyến cáo, người sử dụng không nên lưu giữ loại bóng này trong phòng kín. Trong trường hợp thu giữ, lực lượng chức năng cần mang đến những nơi thoáng, rộng dùng vật sắc nhọn chọc thủng. Không nên để bóng bay ngoài trời nắng, vì có thể gây nổ. Trong trường hợp không may có người bị bỏng do nổ bóng bay khí hydro, cần nhanh chóng sơ cứu người bị nạn bằng cách nhặt hết vụn bóng trên người bị bỏng, cởi bỏ quần áo nếu khu vực che bị tổn thương.

Nhanh chóng sử dụng nước sạch làm mát vùng da bị bỏng giúp giảm thiểu mức độ bị tổn thương. Băng vết thương bằng gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng. Sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời hoặc gọi điện thoại 114 để được giúp đỡ.

Hạnh (T/h)