Bộ Công an lý giải việc nhiều người cả năm chưa nhận được căn cước công dân

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Thay đổi tạm trú, thường trú, sai dữ liệu, sai địa chỉ... là một số nguyên nhân được Bộ Công an chỉ ra khi người dân chưa nhận được căn cước công dân gắn chip.

can-cuoc-cong-dan-ch-1656399065.jpg

Người dân quận Hoàn Kiếm làm căn cước công dân lưu động. Ảnh: V.Dũng

Bộ Công an cho biết, triển khai Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, đến nay có hơn 65 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được sản xuất và cấp cho người dân trên cả nước.

Đây là một bước đột phá, tạo nền tảng quan trọng cho việc xây dựng và phát triển những ứng dụng trên nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua có nhiều người dân bức xúc phản ánh, họ đã làm căn cước công dân cả năm rồi nhưng vẫn chưa nhận được.

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an) đã thông tin về một số nguyên nhân việc người dân chưa nhận được căn cước công dân gắn chip.

Theo thiếu tá Dũng, qua rà soát, có nhiều trường hợp thẻ căn cước công dân đã trả về nhưng chưa trả được đến tay công dân.

Cụ thể, nhiều nhân khẩu tạm trú, thường trú trên địa bàn sau khi làm thẻ xong đã chuyển chỗ ở, chuyển thường trú hoặc không có mặt nơi cư trú nên gây khó khăn trong việc trả thẻ.

Công dân đăng ký sai địa chỉ, số điện thoại nên công an địa phương không liên hệ được để trả thẻ được; Bưu điện chuyển phát không liên lạc được cho công dân nên chưa phát được.

Một số thẻ căn cước công dân đang trên đường chuyển phát về hoặc đang phân loại tại cơ quan công an do mới nhận.

Ngoài ra, việc chậm trả thẻ căn cước công dân còn có nguyên nhân do các hồ sơ thu nhận căn cước công dân truyền lên Trung ương bị sai lệch dữ liệu dân cư, sai loại cấp, sai thông tin… dẫn đến chưa được cấp hoặc không được cấp.

Công an đơn vị địa phương chưa thể tiến hành việc cập nhật chỉnh sửa hồ sơ sai lệch do công dân chưa cung cấp được hồ sơ, giấy tờ hợp pháp (như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn) để chứng minh việc điều chỉnh, thay đổi thông tin.

Do một số công dân có các giấy tờ tài liệu, hồ sơ không đồng nhất có nhiều thông tin sai lệch, các thông tin nhân thân có sự thay đổi, điều chỉnh do cải chính năm sinh, giới tính và các thông tin khác.

Một số công dân vi phạm các quy định liên quan đến công tác cấp căn cước công dân, quản lý cư trú và các hành vi vi phạm pháp luật khác nên chưa được cấp.

Các trường hợp không được cấp, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã gửi danh sách chi tiết về địa phương và gửi cả trên phần mềm ngay sau khi duyệt hồ sơ để địa phương báo lại cho công dân hoàn thiện.

Hiện nay Bộ Công an đã yêu cầu tất cả Công an các đơn vị địa phương đều có đường dây nóng trả lời về việc cấp thẻ căn cước công dân.

Khi công dân không đến cơ quan công an đều có thể gọi điện để kiểm tra thông tin căn cước công dân, số điện thoại đường dây nóng của các địa phương đã được đăng tải trên Fanpage Facebook của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó ngay đầu năm 2021, C06 đã đưa Tổng đài đường dây nóng 1900.0368 đi vào hoạt động nhằm tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của người dân về căn cước công dân.

Công dân cũng có thể liên hệ trực tiếp với số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị công an địa phương.