Bến đỗ yêu thương

Đặng Thu Hằng
Hơn 22 năm qua, các em nhỏ nhiễm HIV/AIDS và người nhiễm HIV không có khả năng lao động đã được Trung tâm Giáo dục lao động số II, nay là Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) tiếp nhận, nuôi dưỡng, điều trị, chăm sóc, giáo dục, đào tạo nghề để tự tin hòa nhập với cuộc sống. Khó có thể kể hết những câu chuyện cảm động về những trẻ “có H” ở bến đỗ yêu thương này.

anh-chup-man-hinh-2023-04-22-luc-175758-1682161090.png

Hoạt động vui chơi tập thể của trẻ em tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì).

Quyết định dũng cảm

Hơn 22 năm về trước, trong bối cảnh nhận thức của xã hội về hội chứng suy giảm miễn dịch ở người do nhiễm phải vi rút HIV vẫn còn rất nặng nề, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đã tiếp nhận những trường hợp rất éo le.

Bà Nguyễn Thị Phương, nguyên Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, nay đã 65 tuổi, trầm ngâm nhớ lại: “Hồi ấy, cơ sở chúng tôi có nhiệm vụ quản lý đối tượng là gái mại dâm. Có người mẹ trẻ cùng hai con nhỏ nhiễm HIV/AIDS được đưa vào cơ sở. Sức khỏe của ba mẹ con rất yếu, nhìn thương vô cùng. Chúng tôi chăm sóc, điều trị bằng tất cả tấm lòng, tình cảm, với mong muốn ba mẹ con sớm hồi phục...".

Đó không phải trường hợp cá biệt tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2. Hồi ấy, các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố Hà Nội biết được việc này, bèn gửi những em bé nhiễm HIV/AIDS lên “nhờ” Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 hỗ trợ chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng. Cùng với đó là các bé nhiễm HIV/AIDS bị bỏ rơi ở Bệnh viện Nhi trung ương, được bệnh viện liên hệ, chuyển đến... Dần dà, số trẻ em nhiễm HIV/AIDS tiếp tục tăng lên, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 trở thành “điểm đến” chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt...

Bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ: “Thực tiễn phát sinh đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp. Tôi đã báo cáo Ban Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khi ấy và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ. Sở đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ “Nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS và người nhiễm HIV không có khả năng lao động” cho đơn vị, làm cơ sở để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ tốt nhất cho các em nhỏ “có H”. Thế là Phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ra đời, hiện nay đã trở thành một trong 6 phòng chức năng của đơn vị”.

Giờ đây, khi chúng ta đã có nhiều biện pháp, nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS, mọi việc dường như bớt nặng nề hơn rất nhiều. Nhưng ở thời điểm 22 năm về trước, đó thực sự là một quyết định dũng cảm. Nhất là khi ấy, cơ sở vật chất của đơn vị vô cùng thiếu thốn; lực lượng y, bác sĩ, dược sĩ chỉ chừng hơn 10 người; chưa có thuốc ARV để điều trị dự phòng lây nhiễm HIV. “Ngay trong đơn vị chúng tôi khi ấy cũng có nhiều người bàn lui, nói điều trị đối tượng cai nghiện, quản lý gái mại dâm… đã vất vả lắm rồi, còn “ôm” việc nuôi trẻ “có H” làm gì? Nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản, công việc mình đang làm chính là chăm sóc các đối tượng yếu thế, đặc thù, nay nếu mình không làm, nơi này đùn đẩy nơi kia, sẽ tội cho các bé lắm”, bà Nguyễn Thị Phương nói.

Vậy là bắt nguồn bằng tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, ngại nguy hiểm, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đã trở thành bến đỗ yêu thương của các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.

Hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng

Theo Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hoàng Văn Luật, trong năm 2022, cơ sở đã tăng cường tổ chức khám, chữa bệnh, điều trị ARV, khám và cấp thuốc nhiễm trùng cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong số 56 trẻ đang được đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng, đa phần đang đi học tại các nhà trường, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, thậm chí cả đại học, cao đẳng và một số trường đào tạo nghề. Trong năm 2023, một mặt tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em và người nhiễm HIV/AIDS, mặt khác, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà trường duy trì cho trẻ đang ở độ tuổi đi học được tham gia đúng và đầy đủ chương trình học tập theo kế hoạch năm học.

Đáng chú ý là hiện nay, số trường hợp đến tuổi trưởng thành ở cơ sở ngày càng nhiều, đặt ra vấn đề cấp thiết là định hướng nghề nghiệp và việc làm. Nhiều em có những thay đổi về tâm sinh lý, tình cảm, khiến cho công tác quản lý, giáo dục gặp không ít khó khăn. Nhằm chủ động tháo gỡ những vướng mắc này, việc tập huấn, giáo dục về hành vi, tâm sinh lý, giới tính, các kỹ năng sống cần thiết cho các em được tăng cường. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với một số tổ chức bố trí cho các em tham gia hoạt động dã ngoại, hội trại..., giúp các em hình thành, phát triển nhân cách, hành vi, trang bị các kỹ năng ứng xử; đồng thời, tổ chức tư vấn, định hướng học nghề phù hợp cho các trường hợp trên 18 tuổi. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường tìm kiếm cơ hội và tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm hòa nhập cộng đồng, cơ sở tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt, thi đua văn hóa, thể dục thể thao, giúp các em năng động, tự tin hơn trong cuộc sống.

Trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới, nhiều em rất cởi mở chia sẻ về hoàn cảnh riêng của mình. Có em 14 tuổi, đã 5 năm gắn bó với cơ sở. Có em sinh năm 2005, quê gốc Hải Dương, vào đây từ năm 2012, kể: “Con sinh ra đã mất bố, mẹ. Con được ông, bà chăm sóc từ nhỏ. Sau thì bà mất, ông già yếu được các bác trông nom, còn con được đưa vào đây. Hơn 10 năm sống tại cơ sở, con được sinh hoạt, học tập, vui chơi cùng các bạn. Con có nhiều bạn thân, giúp đỡ nhau nhiều. Hiện con đang học nghề công tác xã hội, rèn luyện các kỹ năng của nghề. Hễ có dịp con lại gọi điện hỏi thăm ông”. Có em bày tỏ tự tin: “Con ở cơ sở đã 13 năm, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Con cảm nhận nơi đây chính là gia đình con, nhất là mỗi khi đau ốm đều được các “bố, mẹ” chăm sóc chu đáo. Con mong được đi học sửa xe ô tô và tự tin có thể sống tự lập, bởi đã có những anh, chị là bạn của con trưởng thành tại đây và đã lập nghiệp thành công”.

Những chàng trai, cô gái trẻ đang chia sẻ câu chuyện với tôi đều có khuôn mặt tươi sáng, rạng rỡ, tự tin, đáng yêu. Vượt qua mọi nghịch cảnh, các em đã có những ngày tháng bình an ở bến đỗ đầy thương yêu của những người chuyên trách công tác chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt, các đối tượng đặc thù, người yếu thế. Và thực thế, các “bố, mẹ” cũng coi các em như người thân trong nhà, như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương: “Lễ cưới của 2 con trai tôi - khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình - đều có sự góp mặt của các em có hoàn cảnh đặc biệt. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, tôi vui khi thấy các con khỏe lên mỗi ngày. Điều tôi mong nhất là các con đủ vững vàng để hòa nhập cùng cộng đồng, không bị kỳ thị, có công việc, tổ ấm riêng”!