Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát tại TP HCM

Lã Thị Thúy hằng
Trước tình hình số ca sốt xuất huyết nặng có chiều hướng tăng, UBND TP HCM vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận, điều trị người bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn về phòng, chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tính từ đầu năm đến ngày 12/5, TP HCM có 7.129 ca sốt xuất huyết, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 158 ca nặng, tăng 532% (gấp 5 lần) và 6 ca tử vong (tăng gấp đôi) so với cùng kỳ năm 2021.

PGS-TS-BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho biết sốt xuất huyết bùng phát phù hợp với chu kỳ dịch bệnh. Trước sự gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch năm 2022, dự báo bệnh sốt xuất huyết thời gian tới sẽ rất phức tạp. Ngành y tế TP HCM cần hành động ngay với mục tiêu hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong, không để xảy ra những ổ dịch lớn.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP HCM cũng đã chỉ đạo bệnh viện tuyến cuối triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị cho các bệnh viện quận - huyện, bệnh viện tư nhân và bệnh viện ở các tỉnh phía Nam.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM), thông tin thêm mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 100-150 trẻ đến khám sốt xuất huyết, trong đó tỉ lệ nhập viện 15%.

Trong 2 tuần đầu tháng 4, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đã điều trị gần 10 ca sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan nội tạng. Có ca sốc sốt xuất huyết rất nặng khi nhập viện.

Hiện có 3 loại bệnh cùng lưu hành và dễ nhầm lẫn với nhau là sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19. Trong đó, có trường hợp xảy ra đồng nhiễm ở trẻ, vừa mắc tay chân miệng vừa mắc COVID-19, vừa mắc sốt xuất huyết vừa COVID-19, vừa tay chân miệng vừa sốt xuất huyết, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến cho hay.

Cần phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ

Một trong những đối tượng dễ mắc virus nhất là trẻ nhỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc số lượng trẻ em mắc sốt xuất huyết tăng cao. Một trong số đó là do thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn, nhịp thở của trẻ cũng cao, trẻ ra nhiều mồ hôi hơn, khiến muỗi dễ phát hiện và đốt.

Bên cạnh đó, trẻ còn thường thích chơi ở những khu vực tối - nơi trú ngụ của côn trùng, đặc biệt là muỗi. Ngoài ra trẻ nhỏ cũng chưa có ý thức phòng muỗi đốt nên mặc nhiên để muỗi đốt "vô tư" (cả muỗi gây bệnh SXH).

Hiện tại, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vẫn là nguy cơ tiềm ẩn. Biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất là diệt muỗi, hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Phát hiện bệnh sớm, đến bệnh viện đúng lúc để giảm thiểu số ca tử vong.

Để hạn chế môi trường sinh sống của muối, những chỗ nước đọng trong nhà phải dọn dẹp sạch sẽ, bình chứa nước cần có nắp đậy, cần loại bỏ các vật phế thải như vỏ xe, bát bể có thể đọng nước.

Gia đình có thể phòng ngừa không để muỗi đốt bằng cách mặc áo tay dài, ngủ mùng, giăng lưới ở cửa sổ. Đặc điểm của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi hoạt động vào ban ngày, nên phụ huynh cần có thói quen giăng mùng ngay cả khi ngủ trưa. Đặc biệt, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chích nhiều lúc sáng sớm và chiều tối nên phụ huynh phải để ý thời điểm để bảo vệ trẻ, hạn chế cho bé đi đến những chỗ có khả năng bị muỗi chích.

Trẻ mắc bệnh có thể điều trị tại nhà

BS Tiến cũng cho biết sốt xuất huyết do siêu vi gây ra nên điều trị triệu chứng. Do đó, nếu không có triệu chứng nguy hiểm, trẻ mắc bệnh có thể điều trị tại nhà.

"Phụ huynh nên bổ sung nước thường xuyên cho trẻ, đặc biệt với những trẻ sốt cao. Khi trẻ được uống nước đủ thì nguy cơ diễn tiến nặng phải nhập viện ít hơn. Có thể cho trẻ uống từng ly nhỏ, uống nhiều lần trong ngày, tránh uống một lúc quá nhiều nước. Những loại nước dùng cho trẻ uống có thể là nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây, nước canh đều được. Hiệu quả của việc bù nước đủ biểu hiện bằng việc trẻ đi tiểu thường hơn, 3 - 6 giờ/lần và nước tiểu trong" - BS Tiến hướng dẫn.

Khi trẻ sốt sẽ biếng ăn, do vậy cần cho trẻ dùng thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn ói thì cần nghỉ ngơi 1 - 2 giờ, khi trẻ bớt cơn ói hãy cho ăn ít lại dần. Tránh sử dụng nước có gaz; những thức ăn, nước uống có màu đen, đỏ vì khi trẻ nôn ói ra khó phân biệt có xuất huyết hay không.

Số ca sốt xuất huyết năm 2022 tại TP HCM đang gia tăng và cao hơn cùng kì

BS Tiến lưu ý nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng sau thì nên đưa đến bệnh viện khám: Sốt cao không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt hoặc co giật khi sốt cao; lừ đừ, ngủ li bì khó đánh thức; đau vùng bụng phải và ngày càng tăng; tiểu ít, nước tiểu sậm vàng; nôn và nhợn ói nhiều, ói ra thức ăn và nước uống nhiều, không thể ăn uống được; tay chân lạnh, tím tái; chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu kinh bất thường, nôn ra máu, tiêu ra phân đen hoặc máu.

Lã HẰng