Bãi xe tạm thời và sự tiến thoái lưỡng nan của chính quyền đô thị

Nguyễn Thị Hải Hà
Sau khi các loạt phóng sự về bãi xe ở lòng đường, hè phố lên sóng VOV Giao thông FM 91 những ngày qua, có rất nhiều luồng ý kiến thú vị, tạo nên một không khí tranh luận sôi nổi.

Đa số ý kiến cho rằng, cần bóc tách các mối quan hệ, lợi ích nhóm đứng đằng sau các bãi đỗ xe, cả có phép, lẫn trái phép, nhằm trả lại không gian vốn có cho các diện tích công sản, phục vụ lợi ích cộng đồng.

Cần quản lý chặt, biến những không gian này trở thành động lực để thực hiện các chính sách khác.

Nhưng cũng có những ý kiến tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thực chất của việc dẹp loạn vỉa hè, lòng đường. Bởi họ đã nghiệm ra từ những lần ra quân xử lý kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” trước kia. Bên cạnh đó, những người đang được hưởng lợi từ sự tồn tại của các bãi xe, họ đặt vấn đề “Nếu làm chặt quá thì lấy đâu ra chỗ mà đỗ?”.

Những nghi ngại ấy hoàn toàn chính đáng, nếu xét về mặt lợi ích cá nhân. Còn về mặt lợi ích cộng đồng, giữ gìn hình ảnh văn minh trật tự đô thị của thành phố, chúng lại bị mâu thuẫn.

Rất khó để một bãi trông xe được cấp phép phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục, nghĩa vụ có thể cạnh tranh được với một bãi xe trái phép mọc lên như nấm sau mưa ở khắp nơi trong thành phố.

Rất khó để một chủ đầu tư chi ra hàng trăm tỷ làm bãi xe thông minh, mất vài chục năm thu hồi vốn cạnh tranh lại được một nhóm người chỉ mất tiền vốn 10.000 đồng mua một lọ sơn ra kẻ vạch thu “tiền tươi”, lợi nhuận “khủng”.

Không thể khuyến khích người dân từ bỏ xe cá nhân, từ bỏ thói quen lái xe vào vùng lõi, khi đường đi bộ tới bến xe, nhà ga, các bãi xe tập trung bị chiếm dụng, ngáng trở, khi việc đỗ xe vẫn quá tùy tiện và được dung túng.

Thật khó để đòi hỏi vấn đề trách nhiệm của các cán bộ, viên chức trực tiếp quản lý, kiểm tra, xử lý khi cơ chế xin-cho ngay từ việc cấp phép đã tạo ra cho họ những điểm mờ để có những cú “bắt tay dưới gầm bàn”, cùng chia nhau những khoản lợi nhuận lớn từ chênh lệch giá thuê công sản với tiềm năng kinh doanh béo bở.

Không dễ để các nhóm lợi ích từ bỏ miếng lợi ích đó.

Trong lịch sử, chính quyền đô thị từng có nhiều cơ hội đứng trước hai lựa chọn để giải quyết vấn đề là nguồn cơn của rất nhiều vấn đề giao thông đô thị khác.

Một là dũng cảm dẹp bỏ hết các điểm đỗ xe tạm thời. Tạo thị trường công bằng, xây dựng hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù tăng giá dịch vụ đến mức hấp dẫn, để thu hút các nhà đầu tư triển khai các bãi đỗ xe tập trung theo quy hoạch.

Phát triển trọng điểm vào hệ thống giao thông công cộng, hướng tới mô hình park and ride để người dân gửi xe ở cửa ngõ, trước khi di chuyển bằng phương tiện xanh, phương tiện công cộng vào điểm đến trong nội đô.

Hai là vẫn giữ các bãi trông giữ xe tạm thời, nhưng với một cơ chế giám sát thật sự minh bạch. Những giải pháp các chuyên gia kiến nghị đều không quá khó thực hiện, như chuyển việc cấp phép xin-cho hiện tại sang mô hình đấu giá quyền sử dụng công sản; tăng giá cho thuê công sản theo sát giá thị trường, công khai nguồn thu bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng vé điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý; sử dụng nguồn thu hiệu quả, tái đầu tư vào hạ tầng giao thông; gắn trách nhiệm của việc giữ đường thông, hè thoáng, coi đó là một tiêu chí trong đánh giá cán bộ, người đứng đầu địa bàn, lĩnh vực phụ trách để giữ kỷ cương, sự nghiêm minh của pháp luật.

Tất cả những lần trước, chính quyền đô thị chọn cách thứ hai, nhưng không kèm với một cơ chế minh bạch. Họ chấp nhận một hiện trạng mập mờ, lúc ngăn nắp, khi lộn xộn, nhếch nhác.

Có thể có nhiều lý do, và chính những người quản lý cũng lâm vào “thế khó”. Bởi lợi ích nhóm không dễ để đẩy lùi, đặc biệt khi nó đã ký sinh quá bền chặt vào công sản.

Những mối quan hệ chằng chịt, những quy định khiến cho chế tài với việc làm sai không phải trả giá đắt hơn những món lợi kiếm được đã và đang là cản trở khổng lồ trong việc giành lại vỉa hè, lòng đường trả về cho cộng đồng.

Bãi đỗ xe và cách ứng xử với nó đang cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính quyền đô thị. Bỏ thì không được, mà quản thì không xong!./.