Bạc Liêu: Chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Nguyễn Diệp Linh
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô 2022-2023, nhất là trong mùa khô có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa ảnh hưởng đến sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất.

Chú thích ảnh Cống âu thuyền Ninh Quới phát huy tác dụng điều tiết mặn - ngọt 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng và ổn định cho các vùng sản xuất của tỉnh Bạc Liêu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên, định kỳ tổng hợp về tình hình sản xuất, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 - 2023 tác động trên địa bàn tỉnh và báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo sản xuất, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh để chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trước nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2022-2023 trên địa bàn chỉ ở mức tương đương năm trước, Sở đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh không xây dựng và ban hành các kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 trên địa bàn; chỉ chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện theo các kế hoạch đã xây dựng trong mùa khô năm 2021-2022. Trong trường hợp có diễn biến bất thường, các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có thể vận dụng Kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 để áp dụng cho từng địa bàn cụ thể.

Nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, vụ Hè Thu 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, ngành phối hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn mặn; tăng cường khảo sát, đánh giá xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính; kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động trong sinh hoạt và sản xuất.

Theo ông Lai Thanh Ẩn, Chỉ Cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh, sắp tới, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu sẽ tiếp tục phối hợp tốt với tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau để vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối, cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm…) đạt hiệu quả. Đồng thời, ngành phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Miền Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vận hành hiệu quả cống Âu thuyền Ninh Quới để đảm bảo ngăn được mặn xâm nhập lên 5 ngã, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng và tiếp được nước ngọt sông Hậu về phục vụ vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh.

Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, để giảm thiểu những tác động do tình hình hạn mặn và thiếu nước trong sản xuất, bảo vệ vụ mùa cho người dân, Chi cục đã chủ động phối hợp với các địa phương nạo vét các tuyến kênh chính, nội đồng; bố trí, sắp xếp thời gian vận hành các cống phân ranh để điều tiết nước mặn - ngọt cho các vùng chuyên canh và luân canh, đảm bảo việc sản xuất lúa, nuôi tôm của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hằng tháng lấy mẫu nước mặt tại 8 điểm trên địa bàn tỉnh (đại diện cho từng vùng mặn, ngọt, lợ) để phân tích các chỉ tiêu, thông báo kết quả quan trắc này để phục vụ việc sản xuất của người dân... Sở kịp thời, thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động điều tiết, sử dụng nước hiệu quả, phù hợp với khả năng nguồn nước cho từng thời kỳ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó trọng tâm trong tháng 1, 2 năm 2023 là công tác tuyên truyền và điều tiết nước; đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất; quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân. Các đơn vị điều tiết, vận hành hợp lý hệ thống các công trình đầu mối, góp phần điều hòa, phân bổ hợp lý nguồn nước được tích trữ trong khu vực nội đồng nhằm đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng trong suốt mùa khô 2022 - 2023.

Vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, nông dân trên toàn tỉnh đã xuống giống trên diện tích hơn 42 nghìn ha. Các trà lúa đang bước vào giai đoạn phát triển tốt nhờ nguồn nước ngọt được đảm bảo.

Theo báo Tin tức